20 phong cách kiến trúc biệt thự tiêu biểu nhất qua các thời kỳ
Cũng là Biệt thự – Nếu không thực sự tìm hiểu kỹ khi thiết kế sẽ rất dễ xảy ra tình trạng “râu ông này cắm cằm bà kia” mà thậm chí vẫn luôn sẽ thấy thiếu một điều gì đó. Để giúp các kiến trúc sư trẻ và những ai quan tâm, yêu thích các công trình biệt thự hiểu rõ hơn về các trường phái kiến trúc
Có lẽ chúng ta đều thường thấy những căn biệt thự thú vị trên sách báo, phim ảnh. Tuy nhiên hầu hết mọi người thường chỉ định hình đó là phong cách Châu Âu cổ điển nhưng thực tế có vô vàn các loại biệt thự với những kiểu cách khác nhau. Nếu không thực sự tìm hiểu kỹ khi thiết kế sẽ rất dễ xảy ra tình trạng “râu ông này cắm cằm bà kia” mà thậm chí vẫn luôn sẽ thấy thiếu một điều gì đó. Để giúp các kiến trúc sư trẻ và những ai quan tâm, yêu thích các công trình biệt thự hiểu rõ hơn về các trường phái kiến trúc và lựa chọn được loại hình phù hợp nhất, KTS. Trần Thị Bảo Châu đã tổng hợp, biên dịch và sắp xếp ra 20 phong cách biệt thự tiêu biểu để chia sẻ cùng với Quý độc giả của Tạp chí Kiến trúc.
1. Tudor
Phong cách Tudor bắt nguồn từ triều đại Tudor của Anh từ năm 1485 đến 1603. Đặc điểm quan trọng nhất là nó được trang trí bởi các cấu trúc nửa gỗ nữa vữa, trong đó khung gỗ được đưa ra và lấp đầy bằng thạch cao( hoặc vữa). Tường ngoài được xây bằng gạch theo theo trật tự nhất định cùng với hoa văn tinh xảo. Đặc điểm dễ nhớ nhất đó là tầng hai sẽ có những thanh gỗ ngang dọc đan xen tạo thành nhiều ô khung, đôi khi có những thanh chéo phá cách. Mái nhà thường là mái đầu hồi với độ dốc nhất định. Cửa sổ khung theo từng nhóm từ ba hoặc nhiều cái gộp lại.
2. Cape Cod
Phong cách Cape Cod được sinh ra ở vùng đông bắc Hoa Kỳ vào những năm 1600, đã từng lỗi thời nhưng được hồi sinh vào những năm 1930. Ban đầu, bức tường bên ngoài được làm bằng cách xếp và dán các tấm ván gỗ nhỏ ngang, nhưng sau khi hồi sinh thì đá, thạch cao(vữa), gạch, v.v … cũng được sử dụng. Mái nhà có phần nhô ra ít và độ dốc cao. Có hai cửa sổ bên trái và bên phải của cửa ra vào và mỗi cửa sổ có nhiều mảnh kính. Ngoài ra, hai cửa sổ được đặt trên mái nhà một cách đối xứng.
3. Georgian
Phong cách Georgia sinh ra ở Anh từ những năm 1700 đến những năm 1830. Nó được làm một cách đối xứng, và có Trán Tường(Phần trang trí cửa đi)ở lối vào. Tường ngoài được xây bằng gỗ dán và có thể được trang trí bằng đá góc. Mái nhà có sống mái dốc về 4 phía kết hợp với cửa sổ mái cân đối với nhau. Các cửa sổ trượt lên và xuống và cửa sổ trên được chia thành các khung kính nhỏ đặc trưng.
4. Greek Revival (Phục Hưng Hy Lạp)
Phong cách lấy cảm hứng từ Hy Lạp cổ đại trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ 1825 đến 1860. Các bức tường bên ngoài được sơn màu trắng theo hình ảnh của một ngôi đền Hy Lạp cổ đại, và được làm bằng vữa và gỗ. Mái nhà dốc về 4 phía và có độ dốc nhẹ nhàng. Ngoài ra đầu hồi có trán tường trang trí phù điêu, các hốc tam giác. Các cửa sổ cao, trượt lên xuống đi đôi với nhau và các thức cột mô phỏng theo kiến trúc Hy Lạp.
5. Colonial Style ( Phong cách thuộc địa)
Phong cách thuộc địa, phổ biến trong phong cách dân cư Mỹ, được sinh ra ở miền đông Hoa Kỳ. Tường ngoài được làm bằng gạch hoặc gỗ.Mái có độ dốc vừa phải hoặc không có dốc. Có năm cửa sổ trên tầng hai và các cửa sổ được bố trí đối xứng xung quanh cửa ra vào và cửa sổ ở giữa được lắp đặt ngay phía trên cửa ra vào.
6. Gothic Revival ( Phục Hưng Gothic)
Từ 1840 đến 1880, phong cách kiến trúc Gothic đã được phục dựng. Ban đầu, nó chỉ là sự thiết kế của một phong cách sinh ra ở Anh và Pháp. Các bức tường bên ngoài được làm bằng gỗ cho các gia đình trung lưu và gạch cho các gia đình giàu có. Mái nhà rất dốc, có diềm Mái và tường đầu hồi được trang trí kĩ. Vòm trên đỉnh cửa sổ khác với phong cách kiến trúc truyền thống bởi các vòm hoặc vòm nhọn đặc trung phong cách Gothic cổ điển.
7. Italianate ( Phong cách Ý)
Biệt thự phong cách Ý ban đầu được ưa chuộng theo phong cách Anh. Đa số không có mái hồi (độ nghiêng dốc theo 4 phía). Gia đình trung lưu thường xây tường bên ngoài bằng gỗ, còn những gia đình giàu có hơn sẽ xây gạch, ốp đá. Cửa sổ được thiết kế nhô ra bên ngoài bằng khung gỗ và cũng là một cửa sổ trượt lên xuống kép. Bên cạnh đó, hiên nhà được trang trí với các thức cột Corinthian.
8. Stick-Eastlake
Phong cách Stick Eastlake là một hình thức biệt thự thường thấy trong những năm 1860 và 1890, được đặc trưng bởi các thanh gỗ nhỏ, ngang, dọc và chéo ở bức tường bên ngoài . Mái nhà có mái dốc, nửa đầu hồi và cửa sổ mái được vạt góc . Có một ống khói làm bằng gạch, phần nhô ra của mái nhà tầng một lớn, và nó trở thành mái hiên ở tầng hai.
9. Second Empire (Đế chế Pháp đệ nhị)
Phong cách Đế chế Pháp đệ nhị có đặc trưng là tường bên ngoài gồm các tấm ván gỗ nhỏ được đóng ngang hoặc gạch theo phương ngang. Ngôi nhà trông giống như một tòa tháp, và các mái đua, gờ mái được làm bằng sắt rèn. Các cửa sổ được thiết kế cao, với các cửa sổ hình vòm nhô ra ngoài mái nhà. Có ban công và hiên cạnh lối vào.
10. Queen Anne
Phong cách Nữ hoàng Anne sẽ khiến biệt thự giống như một lâu đài. Bắt nguồn từ những phong cách được tìm thấy ở Anh và Pháp và sau đó nâng cao lên như: Có tòa tháp, pháo đài trên tầng hai, Các chi tiết được trang trí công phu, tỉ mỉ và tinh xảo. Đặc biệt ngôi nhà sẽ được thiết kế thêm phòng ngắm cảnh ( Vọng lâu).
11. Shingle style
Phong cách Shingle bắt nguồn từ New England(vùng đông bắc Hoa Kỳ). Tường bên ngoài được làm bằng gỗ hoặc màu của các gân tường được sơn bằng một màu duy nhất.Tuy nhiên, hình dạng của mái nhà khá phức tạp với một đầu hồi không đối xứng, có khi mái được gấp khúc với 2 độ dốc. Cửa sổ lớn và có trần vòm cao.
12. Dutch Colonial (Thuộc địa Hà Lan)
Phong cách thuộc địa Hà Lan bắt nguồn từ New York và New Jersey. Mái nhà đặc trưng Gambrel (mái gập khúc có 2 dộ dốc) Cửa sổ mái được chia thành các ô kính nhỏ 8 x 8. Có những cây cột và một cổng vòm ở bên trái và bên phải của lối vào và một ống khói trên mái nhà.
13. Neo-Classical
Phong cách tân cổ điển được lấy cảm hứng từ Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại và thời kì Phục Hưng. Tường ngoài được làm từ nhiều loại vật liệu bên cạnh các vật liệu truyền thống như gạch, vữa, đá và gỗ thì nhựa tổng hợp “Vinyl” đôi khi được sử dụng. Các cổng được dẫn bởi các trụ cột đến lối vào, và thiết kế mang tính đối xứng. Các cửa sổ trên mỗi tầng cách đều nhau mà không cần có quá nhiều mảng kính lớn.
14. Craftsman
Phong cách Craftsman được xây dựng từ năm 1905 đến 1930, đang hồi sinh kể từ năm 2017. Nó được sinh ra ở Nam California. Phần mái trông nhẹ nhàng hơn, các dầm được trang trí để lộ ra và mái nhà theo phong cách Craftsman có mái hiên rộng. Đa phần của nội thất là đồ gỗ, trần nhà để lộ hệ vì kèo. Các cột trụ trên hiên nhà được làm thon. Không giống như phong cách lấy cảm hứng từ phong cách cổ điển, Craftsman không có sự đối xứng. Kính màu được sử dụng và các cửa sổ ở trên được chia khung nhỏ, nhưng các cửa sổ ở dưới là một mảnh kính đơn.
15. Cottage Style
Phong cách đồng quê Cottage được xây dựng vào những năm 1920 và 1930. Các bức tường bên ngoài được làm bằng vật liệu tự nhiên cũng như gạch và vữa. Mái đầu hồi có độ dốc lớn và rộng. Cửa sổ có bản lề bên, khung cửa sổ có hoa văn lưới, Dưới cửa sổ có trang trí bồn hoa. Cửa 2 lớp có cửa chớp bên ngoài.
16. French Colonial (Thuộc địa Pháp)
Phong cách thuộc địa Pháp có tầm ảnh hưởng rất lớn và được xây dựng rộng rãi ở Hoa Kỳ. Toàn bộ tòa nhà có thiết kế cân đối, các chi tiết đối xứng với nhau và cửa ra vào có mái dốc, đầu cửa cong. Các cửa ở tầng một là cửa sổ kiểu Pháp hai cánh đặt dưới sát sàn tầng một trông như cửa đi, và các cửa sổ ở tầng hai thường dài dọc theo chiều đứng.
Tại Việt Nam, phong cách này rất phổ biến, có những chi tiết thiết kế riêng để phù hợp với tính chất khí hậu nhiệt đới của nước ta. Đặc biệt tại các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt v..v vẫn còn rất nhiều các căn biệt thự phong cách thuộc địa Pháp có tuổi thọ cao và độc đáo. Các bạn hãy nên đến để tham khảo thêm!
17. Mediterranean Style (Phong cách Địa Trung Hải)
Phong cách Địa Trung Hải được bắt đầu vào những năm 1920- 1930 tại California và Florida của Hoa Kỳ. Dễ nhận biết nhất là mái ngói bằng hoặc độ dốc thấp, tường làm bằng hỗn hợp vữa cát, đất sét cát, rơm và các loại gạch không nung khác. Phong cách tạo nên sự thông thoáng vì các tòa nhà được sắp xếp theo hình nhữ U xung quanh sân vườn và đài phun nước.
18. Mid-Century Modern ( Phong cách hiện đại giữa TK 20)
Phong cách Mid-Century Modern (hiện đại giữa thế kỷ) có mái bằng và mái hiên lớn. Cửa sổ khác nhau về kích thước, hình dạng.Cánh cửa rộng lớn.Sử dụng kính nhiều và có những không gian mở trong vườn kết hợp với mái hiên phía trên.
19. Traditional Ranch (Phong cách Trang trại truyền thống)
Phong cách Traditional Ranch (trang trại truyền thống) thường được thiết kế theo hình hộp hoặc hình chữ L hoặc hình chữ U, mái đầu hồi hoặc mái vòm với mái hiên rộng. Mặt bằng đơn giản có thể thông với Garage giữ xe và rất ít chi tiết trang trí.
20. Contemporary Style (Phong cách đương đại)
Vào những năm 2017, phong cách này được trở nên ưa chuộng. Phong cách thiết kế có rất ít chi triết trang trí và sử dụng nhiều vật liệu tự nhiên như gạch, gỗ. Mái nhà thường là mái đầu hồi. Đôi khi các cửa sổ rộng lớn kéo dài từ sàn đến trần được sử dụng và không có hình thức cố định để tận dụng ánh sáng tự nhiên. Mặt bằng mở rộng rãi, không gian linh động và ưu tiên các tính năng thân thiện với môi trường.
Trên đây là những phong cách tiêu biểu mà mình nghĩ sau khi tham khảo xong các bạn sẽ trang bị cho bản thân những phong cách yêu thích và phù hợp nhất. Mong rằng tài liệu này sẽ giúp ích được gì đó cho các bạn trên con đường học tập và làm việc. Cám ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi.
Nguồn dẫn : Trần T. Bảo Châu – tckt.vn © Tạp chí kiến trúc