XÂY NHÀ – CÂU CHUYỆN CỦA KTS VÀ THƯỢNG ĐẾ
Tôi đã thử làm một cuộc điều tra xã hội học nho nhỏ như thế này: Nếu được lựa chọn giữa một căn hộ chung cư đã được trang bị đầy đủ tiện nghi và một mảnh đất vừa đủ xây cái nhà ống 4-5 tầng thì anh/chị lựa chọn phương án nào
Những người được tôi đặt câu hỏi ở nhiều lứa tuổi, làm đủ ngành nghề khác nhau và có mức thu nhập khác nhau. Có tới hơn 70% người được hỏi trả lời chọn phương án thứ hai (trong đó phần lớn là người trung tuổi trở lên), dĩ nhiên chấp nhận luôn cả sự vất vả của việc xây nhà…
Từ một quan niệm xa xưa
Cái câu “Tậu trâu, làm nhà, cưới vợ” của ông cha xưa kia hẳn vẫn còn nhiều giá trị cho dù con trâu cùng nền kinh tế nông nghiệp không còn là mũi nhọn và sự lựa chọn duy nhất nữa. Nhưng trong quan niệm của nhiều người, việc sở hữu một mảnh đất, một ngôi nhà riêng vẫn là khát khao cháy bỏng – dù ngôi nhà riêng đó chỉ là nhà phố, thậm chí trong hẻm chứ không phải là biệt thự hay nhà vườn. Với nhiều người đó là sự cống hiến cả một đời cho sự nghiệp công tác – ấy là cái thời còn cơ chế phân nhà chia đất; còn bây giờ – với mức thu nhập trung bình thì đó là cả đời dành dụm. Cùng thêm lý do đó, việc xây nhà trở nên quan trọng hơn bao giờ hết – cũng là điều đơn giản và dễ hiểu.
Đến chuyện làm nhà bây giờ
Tất nhiên trong bài viết này người viết chỉ đề cập tới chuyện xây nhà ở đô thị – là những nơi có dân trí cao, kỹ thuật xây dựng phát triển. Xây nhà là phải có thiết kế, hẳn rồi. Đã qua cái thời kỳ mà ông chủ tự mò mẫm hay nhờ ông bạn quý hoá nào đó (đã từng xây nhà) vẽ kiểu rồi giao cho thợ; hay thậm chí nhờ chính ông cai thầu thiết kế. Và việc đầu tiên ấy là phải đi tìm kiến trúc sư (KTS). Nhà có KTS thiết kế, phải oách rồi, phải đẹp là chắc. Ai cũng tin như thế. Đây là một câu chuyện có thể kết thúc nhanh gọn hoặc thậm chí có thể kéo dài, dài hơn cả thời gian thi công xây dựng. Ban đầu, gia chủ thường lục trí nhớ tìm kiếm xem trong họ hàng, bạn bè có ai là… KTS không, để…nhờ. Tiếp theo, nếu không có thì xem những người quen ai mới xây nhà để hỏi về thiết kế. Tiếp nữa là tìm KTS hay các đơn vị tư vấn thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông khác. Có gia chủ dễ dàng tìm được KTS phù hợp (với những thoả thuận ban đầu), nhưng cũng không ít gia chủ đắn đo chọn lựa, thậm chí “thay ngựa giữa dòng” khi xảy ra bất đồng trong quá trình thực hiện – việc đó đã làm kéo dài thời gian như đã đề cập ở trên.
Nhu cầu của gia chủ – đâu là thật?
Trước khi đến với KTS hay các văn phòng tư vấn, chủ nhà thường đã chuẩn bị cho mình một lưng vốn kha khá về chuyện này. Họ đã phần nào biết được những nhu cầu chính của mình là gì – đó chính là những dữ kiện ban đầu cho các KTS. Tuy nhiên những nhu cầu đó không phải lúc nào cũng đúng và quan trọng hơn là đa phần khách hàng chưa hình dung ra được khái niệm về không gian và cơ cấu của ngôi nhà. Họ chỉ hình dung được về các phòng chức năng, vật liệu, kiểu dáng kiến trúc hay một vài chi tiết nội thất… Đó chỉ là những dữ kiện cần nhưng chưa đủ để giải bài toán thiết kế. Để giải bài toán này, phải có một nhiệm vụ thiết kế hoàn chỉnh mà nhiệm vụ này không phải do chủ nhà đưa ra hay KTS đề xuất. Nó phải là sản phẩm đôi bên cùng xây dựng.
Ai cũng hiểu kiến trúc là một bài toán tổng hợp liên quan đến nhiều phương diện như: nghệ thuật, kỹ thuật, văn hoá, kinh tế, xã hội… Thế nhưng khi làm việc với KTS, nhiều gia chủ lại… quên béng điều này. Hệ quả là một loạt những bất cập xảy ra trong quá trình thiết kế mà KTS kêu trời – có tài thánh cũng không co kéo nổi. Có chủ nhà do quá tin tưởng (hay bàng quan với chính mình?) giao phó tất cả nhiệm vụ thiết kế cho KTS, và rồi khi phương án đưa ra trên cơ sở ấy, họ lại yêu cầu sửa theo nhu cầu của họ. Báo hại cho KTS về sửa mệt. Thường thì với thể loại nhà ở đang bàn, lượng khách kiểu này không nhiều. Còn lại nhiều gia chủ đưa cho KTS hàng loạt những nhu cầu, cùng bao nhiêu “tôi muốn”, mà tất cả đá nhau tréo ngoe nhau không thể giải quyết nổi; hoặc có thể đáp ứng nhưng các KTS đều không muốn đáp ứng. Những “nhu cầu thật” mà chủ nhà đưa ra không nhiều – thậm chí họ không đầu tư thời gian và công sức để cùng KTS xác lập nhu cầu ấy. Nhưng họ lại mải mê và viển vông với “nhu cầu giả”, say sưa tìm kiếm thông tin, tưởng tượng và tự vẽ ra những thứ chưa hoặc không cần thiết, thậm chí phi thực tế. Những “nhu cầu giả” này thường xuất hiện khi chủ nhà nhìn thấy ở đâu đó, và thích – có thể ở thực tế hay trong sách báo, trên mạng internet.
Có khách hàng nằng nặc yêu cầu KTS thiết kế cho mình cầu thang theo kiểu như thế này (do nhìn thấy ở nhà anh bạn), nhưng thực tế không thể làm như thế với kích thước và hình dạng khu đất. Có khách hàng muốn trần thật cao (theo quan niệm “nhà cao cửa rộng”) trong khi diện tích đất khiêm tốn, và cần phải tiết kiệm diện tích thang. Có người lại đề nghị cho một sân thượng lý tưởng với bàn ghế, cây xanh để rồi một năm lên đó vài lần… phơi chiếu… Rồi thì yêu cầu nhà tôi giống… nhà hát lớn, giống biệt thự Pháp – mà “nhà tôi” là nhà lô phố…Còn có những yêu cầu mà theo nhiều KTS là “quái đản”, không chịu đựng nổi.
Có một nhu cầu nữa – rất chính đáng nhưng luôn là trở ngại lớn đối với KTS. Đây cũng là sai lầm nữa của các gia chủ trong tiến trình làm việc. Đó là vấn đề phong thuỷ. Người viết không đi sâu vào những ràng buộc mâu thuẫn với kiến trúc của phong thuỷ hay chuyên ngành phong thuỷ, mà chỉ nói về tiến trình. Dù được các KTS “cảnh báo” rất sớm nhưng phần nhiều khách hàng vẫn vừa đặt “thầy” vẽ, vừa đặt “thầy” coi. Việc này được xem như sự phàn nàn hàng đầu của các KTS làm nhà ở. Một câu phán của “thầy” có thể xoá xổ cả phương án thiết kế (thậm chí đã chuyển sang giai đoạn thiết kế kỹ thuật) là chuyện thường ngày ở huyện. Thật khó diễn tả cả bộ mặt và tâm trạng KTS lúc ấy. Bỏ thì mất công, theo tiếp – nghĩa là làm lại – thì vừa mệt mà vẫn lỗ. Sự sòng phẳng và thẳng thắn trong các hợp đồng tư vấn thiết kế hình như vẫn còn yếu ớt. Trong các trường hợp thế này, thiệt thòi luôn dành về phía các KTS.
Giải quyết thế nào?
Ở trên, có vẻ như phần lỗi thuộc về khách hàng nhiều hơn. Nhưng thật công bằng và khách quan, không thể cho rằng KTS là nạn nhân hoàn toàn. Nói một cách khác, họ có thể giảm bớt rất nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện dự án bằng chính những kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức của mình. Những hiện tượng xảy ra đa dạng và phức tạp nhưng bản chất cũng chỉ là mấy vấn đề cốt lõi. Chúng tôi tạm tổng kết như sau:
Những sự thay đổi, điều chỉnh thiết kế, yêu cầu thêm gây thiệt hại về thời gian và công sức cũng như tinh thần của KTS: Với trường hợp này cần phải có điều khoản rõ ràng trong hợp đồng, liên quan cụ thể đến chi phí kinh tế. KTS hay đại diện đơn vị tư vấn cần tiếp cận một cách chuẩn xác hơn với quan hệ dịch vụ – khách hàng, tránh kiểu làm việc quá nghệ sỹ hay đơn giản thủ tục mà tự gây thiệt hại. KTS cũng cần lường trước những tình huống cho bản thân và dự báo cho khách hàng để tránh bị động.Những yêu cầu quá nhiều, quá “sức chịu đựng” của ngôi nhà, không thể đáp ứng được: Đây là một vấn đề khá thú vị. Khách hàng đôi khi không biết và họ không có lỗi, mà chính KTS làm cho khách hàng ngộ nhận, họ tưởng có thể “được” nhiều thứ – kiểu n trong 1. Lúc này thật sự cần kinh nghiệm nghề, kiến thức tổng hợp và kỹ năng tư vấn để khách hàng hiểu rõ hơn, hướng khách hàng tiến gần đến những “nhu cầu thật” hơn. Một kiến trúc sư có kinh nghiệm làm nhà ở đã nhận xét về các kiến trúc sư trẻ – đại ý rằng: Nhiều KTS trẻ bây giờ mải chạy theo dự án, công nghệ, 3D, diễn hoạ… mà quên mất việc trau dồi tri thức và xây dựng cho mình một nền tảng kiến thức xã hội, bản lĩnh văn hoá để có thể hành nghề đúng vai trò của KTS . Tôi tin điều này đúng. Chính vì lỗ hổng đó mà nhiều KTS trẻ có thể rất xuất sắc ở một phương diện nào đó nhưng không có được tư duy tốt và cái nhìn và toàn diện. Vì thế họ khó có thể thực hiện tốt việc “đọc” khách hàng và đưa ra những giải pháp tổng hợp, tư vấn đúng đắn tới khách hàng.Những yêu cầu quá cụ thể, kiểu lắt nhắt, kiểu cóp nhặt mỗi nơi một tí như mái giống nhà ông A, cầu thang giống nhà ông B, ban công giống nhà ông C…: Thực ra với yêu cầu kiểu này không quá khó thuyết phục bằng vấn đề chuyên môn thuần tuý. Nhưng kiểu yêu cầu này cũng có thể là thảm hoạ nếu như thượng đế của KTS vẫn miệt mài háo hức đi tham quan trong khi KTS đang triển khai bản vẽ kỹ thuật. Đôi khi những chi tiết rất nhỏ làm tôn giá trị của công trình cùng không gian kiến trúc lên, và ngược lại.Yêu cầu… như thượng đế, bởi thượng đế có tiền, rất nhiều tiền. Việc bỏ tiền ra thuê KTS là rất nhỏ nên thượng đế bắt KTS phải vẽ theo ý mình, KTS sẽ là… thợ vẽ. Làm việc với những đối tượng khách hàng này KTS vừa thích vừa sợ. Thích vì… có nhiều tiền, thích vì nếu thuyết phục được khách hàng dễ có kết quả tốt. Sợ vì không thuyết phục được, sợ vì… công trình làm ra… tiếng xấu để đời. Tất nhiên, cái mà khách hàng “bắt” KTS vẽ phần nhiều là dở nên KTS cũng dở khóc dở mếu, chẳng bao giờ dám nhận con mình; cũng như một nỗi đau nghề vậy. Nhưng số KTS có đủ bản lĩnh và lương tâm nghề trong những trường hợp này hình như không nhiều, nên thực tế mới có không ít những công trình xấu xí, ung nhọt mọc lên và tiếp tục mọc lên nữa.
Để có một tiếng nói chung
Đôi bên có tiếng nói chung, đó là điều bất kỳ chủ nhà và kiến trúc sư nào cũng mong muốn. Nhưng quan trọng nhất là cả hai phải hiểu rõ vai trò và vị trí của mình cũng như của đối tác, thì mọi việc mới có thể tiếp tục thuận lợi. Sự ngộ nhận về vai trò, quyền hạn hay cố tình áp đặt lẫn nhau đều không đưa đến kết quả tốt. Cần phải hiểu rằng: Trong việc xây nhà, KTS là người “giúp” chủ nhà để cùng thực hiện chứ không phải làm thay, và KTS càng không phải anh thợ vẽ. Cuối cùng, mong rằng những câu chuyện kiến trúc sư với thượng đế luôn là những câu chuyện đẹp để có những ngôi nhà đẹp!
KTS Nguyễn Trần Đức Anh