GIẢI PHÁP THÔNG GIÓ VÀ ĐIỀU HÒA KHÔNG KHÍ ĐỂ LỌC KHÍ TƯƠI TRONG NHÀ
Khí tươi là gì ?
Khí tươi được hiểu đơn giản là “không khí sạch”, có thể loại bỏ CO2 và các tạp chất và bụi mịn gây hại cho sức khỏe con người, đồng thời cung cấp hàm lượng O2 tốt cho hệ hô hấp và lưu thông máu. Cấp khí tươi có thể giúp đẩy lùi cảm giác khó chịu, nhức mỏi cơ thể và mang đến một tinh thần sảng khoái, tràn đầy năng lượng. Hiện nay, cấp khí tươi là giải pháp hoàn hảo được sử dụng trong phạm vi rộng rãi như gia đình, văn phòng, công trình xây dựng…
Một số biện pháp thông gió và ĐHKK để tăng chất lượng không khí trong nhà ( AIQ )
a) Biện pháp thông gió thu hồi nhiệt : Thiết bị thông gió thu hồi nhiệt giúp giảm thiểu lượng nhiệt làm mát /sưởi ấm bị thất thoát trong quá trình thông gió cho phòng sử dụng ĐHKK. Thiết bị giúp cung cấp khí tươi từ bên ngoài đồng thời loại bỏ khí bẩn bên trong phòng ra ngoài. Trong quá trình thông gió, nhiệt lượng và độ ẩm bên trong phòng thay vì thải trực tiếp ra ngoài thì sẽ được thu hồi để làm lạnh lượng khí tươi đã được lọc sạch và đưa lại vào trong phòng, nhờ đó tiết kiệm điện hơn so với sử dụng quạt hút thông thường cho phòng có ĐHKK.
b) Biện pháp lọc bụi trong phòng : Hiện nay các máy lọc không khí được trang bị bộ lọc tổng hợp HEPA có thể loại bỏ lên đến 99,97% các hạt 0,3 μm. Hoặc trang bị công nghệ Streamer, đây là một dạng phóng điện plasma tạo ra những dòng electron tốc độ cao có thể kết hợp với oxy và nito trong không khí để tạo ra những hợp chất hoạt động với khả năng ôxy hóa mạnh và vì thế loại bỏ những chất gây dị ứng ví dụ như nấm mốc, mọt (phân và mọt chết), phấn hoa, và những hóa chất độc hại như formandehit, thậm chí cả virus cúm thông thường như H5N1, H1N1.
c) Điều hòa không khí: Trong công trình dân dụng, máy ĐHKK sử dụng công nghệ ion, nano trong việc nâng cao chất lượng môi trường trong nhà cho phép lọc bụi, khử mùi hiệu quả cao. Gốc OH tiếp cận nguồn xuất phát của mùi và triệt tiêu chất gây mùi cho đến khi chúng hầu như không thể nhận thấy, ức chế các hoạt động của vi rút, nấm mốc trong nhà ở (như Cladosporium, Alternaria, Fusarium, Penicillium, Eurotium), phấn hoa, ức chế các chất gây dị ứng từ thú cưng và có thể lọc được các hạt bụi nhỏ PM2.5
d) Smart home và kiểm soát chất lượng không khí trong nhà: Trong giai đoạn hiện nay khi mà biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều bất lợi cho môi trường sống của con người, trước xu thế phát triển công nghệ, nhà thông minh đang được phát triển và ứng dụng mạnh mẽ không những sử dụng năng lượng thấp mà còn có thể cung cấp các thông tin về chất lượng không khí thông qua các cảm biến. Hiện nay chất lượng môi trường sống trong đó không khí và điều kiện vệ sinh đang được quan tâm rất lớn đối với tòa nhà thông minh, chỉ cần các nút cảm biến MoD và một thiết bị cầm tay (smartphone) là có thể quan sát được mức độ ô nhiễm tại khu vực cần theo dõi
e) Làm mát miễn phí (Free cooling): Một phần đáng kể của mức tiêu thụ năng lượng trong tòa nhà là việc sử dụng năng lượng cho hệ thống sưởi ấm, thông gió và ĐHKK. Làm mát miễn phí là một trong những phương pháp tiết kiệm năng lượng mới trong việc xây dựng hệ thống ĐHKK. Tiềm năng làm mát miễn phí cho tòa nhà được xác định bằng cách sử dụng dữ liệu thời tiết hàng giờ trong một năm và cũng ước tính nhu cầu tải làm mát cho mỗi tháng, coi 24+- 20C là mức nhiệt độ thoải mái. Như vậy thiết kế tích hợp phải được công nghệ phù hợp cho các tháng khác nhau và thậm chí cho từng giờ trong ngày để giảm tiêu thụ năng lượng và nâng cao chất lượng môi trường trong nhà.
Công tác thiết kế các công trình mới và cải tạo công trình hiện hữu cần phải tính đến cả IAQ: Đó là kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm bằng cách sử dụng vật liệu phù hợp, cách ly nguồn thải, kiểm soát nguồn thải, thông gió cục bộ,… xác định phương pháp thông gió và thiết kế hệ thống thông gió sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và công nghệ thụ động phù hợp với khả năng sử dụng để dễ dàng kiểm soát, vận hành và bảo trì.
Trích dẫn bài đăng trên Tạp chí kiến trúc số 02/2020 của TS. KTS Phạm Thị Hải Hà
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Đại học Xây dựng;
ThS. Nguyễn Thành Trung
Khoa Môi trường – Trường ĐH Khoa học tự nhiền – ĐH Quốc gia HN