ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP THIẾT KẾ KHÔNG GIAN NỘI THẤT VĂN PHÒNG
Quan điểm chung
Điều kiện phát triển kinh tế xã hội, chúng ta dần thay đổi quan điểm về không gian nội thất : Từ không gian cứng nhắc sang mô hình linh hoạt, từ áp dụng các nguyên lý kinh điển sang chú trọng đến tâm lý và điều kiện văn hóa. Trong tình hình mới, các tiêu chí thiết kế không gian văn phòng thích ứng COVID-19 được tiếp cận như sau:
1. Đảm bảo an toàn sức khỏe thể chất và tinh thần
Điều kiện dịch bệnh Covid-19 đã đề cao vấn đề an toàn, là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi trong thiết kế văn phòng tương lai. Các tổ chức, doanh nghiệp phải làm tốt công tác tư vấn tâm lý, thực thi các biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm để nhân viên yên tâm nơi làm việc là một môi trường an toàn. Qua đó, giảm thiểu tình trạng căng thẳng, lo lắng và thúc đẩy sức khỏe tinh thần của nhân viên.
2. Tổ chức công năng linh hoạt, hiệu quả
Mô hình làm việc kết hợp Hybrid vẫn đảm bảo hiệu suất công việc và giảm thiểu khả năng lây nhiễm đã được ứng dụng rộng rãi và có những đánh giá tích cực trong thời gian qua. Vì vậy, thiết kế văn phòng có khả năng sẽ phát triển thành một môi trường đa chức năng, cung cấp không gian hỗ trợ bốn loại hoạt động: (i) cộng tác trực tiếp, (ii) cộng tác ảo, (iii) riêng tư và (iv) di chuyển. Tiêu chí này có thể thực hiện nhờ vào việc sắp xếp lại bố cục không gian, thiết kế và xây dựng các loại hình trang thiết bị nội thất phù hợp.
3. Đảm bảo tiện nghi, thoải mái và truyền cảm hứng cho cộng đồng
Thiết kế văn phòng sẽ phải đáp ứng được các nhu cầu của nhân viên, mang lại cho họ một không khí dễ chịu thoải mái, qua đó tạo nên cảm giác gắn kết giữa nhân viên và môi trường làm việc. Các công ty sẽ cần phải suy nghĩ lại về ý nghĩa của không gian văn phòng, biến nó từ chỉ đơn giản là một nơi để làm việc trở thành cơ sở hạ tầng để xây dựng văn hóa công sở lành mạnh, nuôi dưỡng ý thức gắn bó của các nhân viên và lan tỏa các giá trị tốt đẹp cho toàn xã hội trong thời kỳ khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Giải pháp xây dựng không gian nội thất văn phòng thích ứng COVID-19
Bên cạnh hướng tiếp cận thông tin đại chúng, nắm bắt nhận thức và tuyên truyền về các giá trị, lợi ích to lớn của thiết kế, kiến trúc không gian văn phòng phù hợp thời đại mới. Cần nghiên cứu, khảo sát các giá trị đặc trưng của từng loại hình lao động: (1) Thường xuyên khảo sát và nắm bắt hoàn cảnh, nhất là nhu cầu của người lao động ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả lao động; (2) xây dựng các kịch bản, phương án tổ chức lao động luân phiên, ca, nhóm để tránh tập trung đông; (3) hướng dẫn các biện pháp giữ khoảng cách an toàn, dọn dẹp vệ sinh văn phòng thường xuyên. Thì một số công ty thiết kế kiến trúc, nội thất cũng đưa ra các chỉ dẫn như Làm thế nào để không gian làm việc thích ứng COVID-196″ do công ty ACTIU7 phát hành, trong đó chỉ ra những biện pháp nhất định trong việc thiết kế lại không gian làm việc và trang bị nội thất để đảm bảo khoảng cách an toàn và ngăn chặn sự lây lan thêm của đại dịch này (ACTIU, 2020). Qua đó, một số lưu ý trong việc thiết kế không gian văn phòng “an toàn COVID-19″ như sau:
1.Bố cục không gian : Ngoài việc sắp xếp, tổ chức, bố cục không gian kiến trúc nội thất theo vần luật, phong cách, thì việc tích hợp các giải pháp tăng cường an toàn y tế và sự sạch sẽ là vấn đề cần quan tâm. Cụ thể như: Tổ chức giao thông công năng hiệu dụng, giảm thiểu tiếp xúc và tương tác không mong muốn; khu vực kiểm tra và phòng soát bệnh ngay lối ra vào nhằm hỗ trợ khai báo, phòng sát khuẩn và kiểm tra nhiệt độ; bố trí các bản chỉ dẫn thống nhất về tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh.; tổ chức các vách ngăn linh hoạt để phân chia không gian, tạo không gian nghỉ ngơi thư giãn, tái tạo sức lao động, cân bằng giữa công việc – cuộc sống.
2. Hình khối : Trạng thái không gian phụ thuộc rất lớn vào hình khối, đường nét kiến trúc. Nhiều yếu tố thị giác được nghiên cứu và ứng dụng cho từng không gian khác nhau, tạo nên cảm giác được bảo vệ, che chở hay gần gũi với thiên nhiên… Hạn chế các đường nét có sự phức tạp về thị giác và dễ gây nên kích động như đường zig zag, đường cắt chéo, các loại hoa văn rối mắt…
3. Màu sắc : Tâm lý về màu sắc đang đóng một vai trò quan trọng trong thiết kế nội thất và ngay cả trong thiết kế không gian nội thất thích ứng Covid-19. Nắm bắt tâm lý, khơi tạo các không gian màu sắc yên bình, thoải mái như gam màu lạnh đang có xu hướng lựa chọn hiện nay.
a) Vật liệu: Các loại vật liệu có tính kháng khuẩn, độ bền cao và dễ chùi rửa luôn được quan tâm lựa chọn. Ngoài ra, màu sắc và hoa văn cũng là một trong những đặc điểm nổi bật trong tổ chức không gian.
b) Ánh sáng và không khí: Các giải pháp về chiếu sáng và thông gió tự nhiên, cây xanh, mặt nước, luôn luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế từ trước đến nay. Vì vậy, việc khai thác điều kiện chiếu sáng thông gió tự nhiên sẽ hạn chế các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh, tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững.
c) Trang thiết bị nội thất: Trang bị đồ nội thất dạng module để xắp xếp linh hoạt, tùy biến cho những nhu cầu sử dụng khác nhau, đồng thời vẫn đảm bảo đồng nhất phong cách trang trí không gian. Đồ nội thất nên có kiểu dáng mềm mại, êm ái. Sử dụng các đồ nội thất được bọc bằng vải kháng khuẩn có thể dễ dàng tháo rời vệ sinh.
Trích dẫn từ nguồn : Phan Hạnh Liên
Khoa Kiến trúc & Mỹ thuật Ứng dụng, Đại học Duy Tân
Phan Bảo An
Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật.
( Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03/2022 )