ĐỪNG CHIẾU SÁNG CHO NHÀ Ở, HÃY CHIẾU SÁNG CHO CHÍNH BẠN

Không gian sống tối ưu trước nhất cần là nơi giúp chúng ta cảm thấy thoải mái, khỏe khoắn về cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Cùng điểm qua một số giải pháp chiếu sáng giúp nâng tầm trải nghiệm sống và thẩm mỹ không gian sống của bạn.

( Ảnh minh họa )

Chiếu sáng nhà ở hướng đến chất lượng sống con người và thẩm mỹ không gian

Về mặt kiến trúc và thiết kế, ánh sáng đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện cái tôi thẩm mỹ của gia chủ khi đây là yếu tố nâng cao màu sắc và có tác động to lớn đến ngoại và nội thất. Ngoài ra, vì là phương tiện hỗ trợ thị giác nên ánh sáng còn vô cùng hữu ích trong việc phân chia các khu vực khác nhau trong nhà, đặc biệt là đối với các công trình có kiến trúc mở. Thế nhưng, điều này vô tình khiến không ít người nhầm tưởng rằng ánh sáng chỉ là công cụ hỗ trợ về mặt hình thức cho kiến trúc.

( Ảnh minh họa )

Thực tế, ánh sáng tác động trực tiếp đến thị giác và tâm trạng của bạn, vì thế cảm xúc của bạn sẽ như thế nào khi đứng giữa một không gian nhất định phần lớn được quyết định bởi ánh sáng. Do đó, đối với một nơi gắn bó mật thiết đến đời sống tinh thần và thế chất của con người như nhà ở, ánh sáng càng được chú trọng hơn bao giờ hết.

Để sử dụng ánh sáng một cách tối ưu cho nhà ở, bạn cần chú ý đến 4 yếu tố hàng đầu, bao gồm: Nhiệt độ màu (CCT), Cường độ sáng, Độ chói (UGR) và Chỉ số hoàn màu (CRI). Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng mà mỗi không gian sẽ được khuyến khích sử dụng các yếu tố trên với từng giá trị khác nhau.

Khu vực phòng bếp và phòng khách

( Ảnh minh họa )

Là những khu vực trung tâm diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt hàng ngày trong nhà, thế nên việc chiếu sáng cho phòng bếp và phòng khách cần chú trọng đến lớp chiếu sáng không gian và lớp chiếu sáng nhiệm vụ để hỗ trợ hoạt động cho các thành viên trong gia đình, đồng thời tạo nên một không gian ấm cúng và gần gũi cho ngôi nhà.

Đối với các khu vực sinh hoạt chung này, ánh sáng trung tính với nhiệt độ màu dao động từ 4000K đến 5000K, tương đồng nhất với ánh sáng tự nhiên sẽ giúp khai thác rõ nét các đường nét và màu sắc của kiến trúc cũng như đồ dùng nội thất.

Khu vực phòng ngủ

( Ảnh minh họa )

Là không gian nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc và học tập, phòng ngủ cần được tối ưu hóa sự thoải mái và thư giãn cho gia chủ. Nhiệt độ màu được khuyên dùng cho khu vực này có giá trị từ 2700K đến 3500K. Chỉ số trên sẽ giúp thiết bị chiếu sáng tạo ra ánh sáng vàng được chứng minh có khả năng hỗ trợ sản sinh Melatonin –  một loại hormone làm cho cơ thể thư giãn được tiết ra từ hệ thần kinh trung ương, từ đó giúp các thành viên điều hòa nhịp sinh học và ngủ ngon hơn.

Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa cảm giác khó chịu về thị giác, độ chói cho đèn phòng ngủ cần được kiểm soát ở một mức độ thấp, cụ thể là UGR 16 hoặc nhỏ hơn cùng với phương thức chiếu sáng gián tiếp để tránh sự tiếp xúc trực tiếp của nguồn sáng đến mắt.

Khu vực phòng tắm

( Ảnh minh họa )

Phòng tắm là khu vực có nhiều khả năng hư hao thiết bị chiếu sáng nhất do tác động cao của hơi nước và tia nước đến chúng. Vì thế, nhiều người nghĩ rằng việc hạn chế lắp đặt hoặc chỉ lắp đặt đơn điệu từ một đến hai đèn downlight sẽ giảm thiểu rủi ro trên. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến nguồn sáng được cung cấp không đủ, gây ra hạn chế về tầm nhìn, di chuyển khó khăn và thậm chí dẫn đến các tai nạn không mong muốn.

Do đó, ở khu vực phòng tắm, các sản phẩm chiếu sáng cần được trang bị đủ để duy trì độ sáng cần thiết và đảm bảo sở hữu chỉ số IP 48 đến IP 68 để chống tia nước và hơi nước hiệu quả.

Bên cạnh đó, các hoạt động ở phòng tắm chủ yếu được thực hiện trước gương nên việc chiếu sáng gương cũng cần được chú ý. Ngoài việc lựa chọn thiết bị đạt chuẩn độ IP, chiếu sáng gương cũng cần được lắp đặt phù hợp với kiểu dáng gương để giảm hiện tượng đổ bóng trên khuôn mặt ở mức tối đa.

Khu vực ngoài trời

( Ảnh minh họa )

Có thể nói, chiếu sáng ngoài trời là “bài toán” khó nhất và đòi hỏi triệt để sự tinh tế của người thiết kế. Bởi lẽ, khu vực này cần tập trung cùng lúc cả về công năng lẫn tính thẩm mỹ từ giải pháp chiếu sáng. Khác với các khu vực trên, không gian ngoài trời sở hữu rất nhiều các chủ thể trang trí như cây cảnh, tượng đá,… cần tạo sự nổi bật. Chính vì thể, chiếu sáng tạo điểm nhấn là phân lớp chiếu sáng cần đặc biệt chú trọng ở đây.

Các sản phẩm cần được lựa chọn với cường độ sáng phù hợp và lắp đặt một cách chiến lược cùng nhiều góc chiếu để vừa cung cấp đủ ánh sáng cho những hoạt động ngoài trời, vừa làm nổi bật các chủ thể trang trí trong vườn như cây cảnh, tượng đá,… nhằm giúp không gian có chiều sâu và nhiều cảm xúc hơn.

P/s : Bài viết được hoàn thiện với sự tham gia của Unios – Thương hiệu đèn kiến trúc đến từ Úc và nguồn từ KienViet