Ánh sáng trong không gian nội thất
Thị giác và ánh sáng là 2 yếu tố không thể tách rời nhau. Với một vật thể, hình dạng hay một tác phẩm điêu khắc và cả tác phẩm kiến trúc – nội thất… chỉ có thể trở nên hiện hữu và “sống” khi có ánh sáng. Bí ẩn của chuỗi cảm giác “Nhìn thấy” rồi đến“Nhận thức” và đọng lại ở “Cảm xúc” đã trở thành đề tài nghiên cứu của các nhà triết học và khoa học qua cả ngàn năm qua. Cùng với sự phát triển của công nghệ và xu hướng mới, ánh sáng trong nội thất đang trở thành đề tài nghiên cứu và ứng dụng vô cùng thú vị, đầy sáng tạo và khơi gợi những cảm hứng mới.
Ánh sáng và không gian
“Không gian là sự xa xỉ lớn nhất trong thời đại chúng ta”, đó là quan điểm của nhà thiết kế người Anh Sir Terence Conran. Điều tối quan trọng hơn là sử dụng không gian sống có sẵn một cách tối ưu. Ánh sáng và màu sắc có thể góp phần đáng kể vào việc ảnh hưởng đến cảm xúc của không gian.
Để có kết quả tối ưu, chúng ta nên đảm bảo rằng thiết kế ánh sáng tuân theo kiến trúc – và kết hợp với màu sắc, chất liệu phù hợp sẽ tạo ra hiệu ứng không gian tối ưu. Trong khi ánh sáng tự nhiên chỉ có thể được “dẫn dắt“ vào trong nội thất trên cơ sở ý đồ ngay từ thiết kế kiến trúc và khó có thể bổ sung thì ánh sáng nhân tạo là nguồn sáng và công cụ linh hoạt trong mọi không gian.
Chất liệu và màu sắc được “nhận thức” bằng ánh sáng
Kết nối con người và không gian, là một nhiệm vụ thú vị, đồng thời cũng rất khó. Với màu sắc, ánh sáng và vật liệu, tạo ra cảm xúc “hạnh phúc” trong một không gian nội thất. Tại sao trong một số không gian bạn cảm thấy dễ chịu, một số khác thì không?
Màu sắc và ánh sáng là những gì đầu tiên con người có thể cảm thấy ấn tượng khi bước vào một không gian. Đôi khi nó được quyết định một cách vô thức cho dù cảm thấy thoải mái hay khó chịu. Màu sắc và ánh sáng tương tác và bổ sung cho nhau. Không có ánh sáng, màu sắc sẽ không thể nhìn thấy và không thể hiểu được. Cả hai yếu tố này đều có tác động lớn đến hạnh phúc, ảnh hưởng đến tâm trạng và đồng hồ sinh học.
Sự tương tác của ánh sáng và vật liệu
Với mục tiêu trải nghiệm, việc lựa chọn vật liệu và ánh sáng đóng vai trò chính trong thiết kế nội thất. Quá trình cho việc lựa chọn vật liệu và cách thức chiếu sáng nên được xác định bởi đặc tính của vật liệu và sự xuất hiện của chúng trong các tình huống ánh sáng khác nhau.
Bất kể hình dạng và vật liệu nào được sử dụng, cho dù đó là gỗ nhân tạo hay tự nhiên, cho dù là đá, thủy tinh thổi, gốm nung, kim loại rèn, nhựa đúc, cho dù cấu trúc đó là hạt thô, chà nhám, xơ hoặc mịn, tất cả chúng đều có thể phản xạ, định hướng, hấp thụ, tán xạ và phân tán ánh sáng chiếu vào chúng theo những cách khác nhau. Người xem có thể không hiểu cách tính toán thông minh của tất cả các hiệu ứng này, nhưng điều quan trọng đối với chúng ta là như thế nào để tạo ra trải nghiệm thú vị và cảm xúc được chạm đến bởi không gian kiến trúc – nội thất.
ThS.KTS Lê Anh Đức
Giảng viên BM Nội thất – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – ĐH Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2020 )