VAI TRÒ CỦA NHÀ THIẾT KẾ NỘI THẤT VỚI THỊ HIẾU NHÀ Ở ĐÔ THỊ HIỆN NAY

Đứng trước bối cảnh đẩy mạnh toàn cầu hoá, khoa học kỹ thuật và hội nhập, nền kiến trúc – nội thất Việt Nam trong những năm gần đây có những bước tiến rõ rệt. Điều này phù hợp với xu hướng chung của toàn thế giới và mang lại nhiều lợi ích song cũng tồn tại bất cập. Một trong những vấn đề dễ thấy nhất là việc gây ra tình trạng “khủng hoảng” thị hiếu thẩm mĩ trong những công trình nhà ở thấp tầng như nhà phố, biệt thự, căn hộ chung cư cao tầng tại các đô thị lớn đang phát triển của nước ta. Trong bài viết này, tác giả tiếp cận mối quan hệ giữa thị hiếu thẩm mỹ và kiến trúc-nội thất, khái quát bức tranh tổng thể nhà ở đô thị hiện nay, lý giải nguyên nhân thông qua đó nhấn mạnh vai trò của các KTS và nhà thiết kế nội thất.

VAI TRO CUA NHA THIET KE NOI THAT VOI THI HIEU NHA O DO THI HIEN NAY

Trên thực tế, nhà ở đô thị đang ngày càng được chú trọng hơn, KTS – nhà thiết kế bước đầu phát huy được vai trò của mình và đạt được những thành tựu nhất định trong việc nâng cao thị hiếu thẩm mĩ kiến trúc – nội thất nhà ở đô thị thông qua những đúc kết về mặt lý luận và cả công trình thực tế. Tuy nhiên, nhiều công trình dù có thiết kế hay tự phát vẫn tồn tại thực trạng hoặc cường điệu xa hoa hoặc đơn điệu và hoàn toàn thiếu đi cá tính cần thiết của không gian nhà ở gia đình.

Cần phải thận trọng và thẳng thắn nhìn trực tiếp vào những nguyên nhân của vấn đề. Tại sao kiến trúc – nội thất nhà ở đô thị lại đối mặt với tình trạng trên?2 1

( Ảnh minh họa )

Thứ nhất, văn hoá “vay mượn” từ phương Tây và một số đất nước phát triển như Hàn, Nhật tràn vào nước ta một cách ồ ạt qua các kênh truyền thông, giải trí. Một bộ phận giới trẻ, là lực lượng lao động chủ chốt và chiếm phần đông trong số dân cư tại các đô thị hiện đại nảy sinh tư tưởng “sính ngoại”, mơ ước về một đời sống “như Tây” len lỏi vào nội thất các công trình nhà ở đô thị.

Thứ hai, nền kinh tế hội nhập giao thương tạo điều kiện cho những thương hiệu nội thất, vật liệu, linh phụ kiện nước ngoài tràn vào Việt Nam với nhiều chủng loại không rõ nguồn gốc xuất xứ cạnh tranh trực tiếp với thị trường nội địa vốn còn giới hạn về trình độ thiết kế, gia công và sản xuất. Phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và thị hiếu nhận thức thẩm mỹ, người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn những sản phẩm “nhái” hình thức mà bỏ qua các vấn đề giá trị sáng tạo, thương hiệu của sản phẩm.

Thứ ba, những phong cách kiến trúc nội thất được du nhập và gây ảnh hưởng lớn đến thực trạng nhà ở đô thị. Tình trạng “thiết kế” sao chép sáo rỗng hình thức bên ngoài của các phong cách nội thất như Neo Classic, Bắc Âu, Industrial, Minimalist… trở nên phổ biến dẫn đến nội thất đô thị chưa thực sự có tư duy đồng bộ, vẫn còn máy móc, hình thức, thiếu tính sáng tạo. Mỗi phong cách kiến trúc – nội thất được hình thành, phát triển trong những bối cảnh, điều kiện cụ thể tạo nên đặc trưng của riêng chúng và sẽ ngay lập tức bộc lộ khuyết điểm nếu đưa vào áp dụng ở những vùng không phù hợp với điều kiện khí hậu, văn hoá. Mỗi một dân tộc có một nền văn hoá, lối sống, phong tục tập quán riêng biệt, chạy theo thị hiếu không phù hợp với văn hoá sống, chỉ sao chép hình thức bên ngoài mà không quan tâm đến đời sống bên trong thì nhà ở đô thị chỉ là lớp vỏ bọc “vay mượn” mà thôi.

Sự phát triển của hình thái xã hội đô thị hiện đại với nguy cơ hình thành những thị hiếu kiến trúc – nội thất nêu trên, dẫn đến sự xuống cấp của diện mạo đô thị và thẩm mỹ kiến trúc nói chung, dù chúng ta đang trong tiến trình phát triển theo chiều rộng nhưng lại thiếu đi chiều sâu.

Vai trò của KTS và nhà thiết kế nội thất

Như đã đề cập, thị hiếu thẩm mĩ nói chung và đối với nhà ở nói riêng được hình thành bởi con người dưới tác động của điều kiện khách quan nhưng theo chiều ngược lại, chính thị hiếu cũng làm thay đổi tư duy, lối sống, hành vi của nhân tố gia đình sinh hoạt bên trong, thông qua đó tác động lên mọi mặt đời sống xã hội. Bởi vậy, nếu có sự yếu kém về tư duy kiến trúc – nội thất nhà ở đô thị, về lâu dài sẽ hạn chế nhận thức thị hiếu thẩm mĩ, cổ suý lối sống lệch lạc xa rời truyền thống và thiếu đi cá tính Việt.Phong thiet ke cua tong thau Manchio 2 scaled

( Ảnh minh họa )

“Thực ra, sự giao tiếp của cá thể với bản thân mình trong quá trình xã hội hóa, quá trình lĩnh hội văn hóa dẫn đến các thị hiếu của người ấy giống với loại thị hiếu “mẫu mực”, “điển hình” và giống với thị hiếu thuộc loại đáng tin cậy với mọi người xung quanh: Cha mẹ, thân nhân, bạn bè, thày cô giáo, nhà phê bình, nghệ sĩ… cho dù thuộc tính biểu lộ thị hiếu cá thể rõ ràng đến đâu, thuộc nhóm xã hội này hay khác, suy cho cùng, các thị hiếu đó càng tỏ rõ thì cá thể với cấu trúc nhu cầu, ham muốn, lý tưởng thẩm mỹ càng đặc sắc hơn và vốn sống của cá thể càng trở nên có một không hai. Điều đó có nghĩa trong thị hiếu tính cá thể của nhóm xã hội không hề đối kháng loại trừ nhau mà các mặt khác nhau của cái toàn vẹn cần thiết phải có đi có lại, đòi hỏi có nhau và chỉ trong một thể thống nhất mới tạo được cấu trúc chỉnh thể của thị hiếu”(Giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật trong lý thuyết kiến trúc và design ). Có thể thấy được, tuy bị chịu ảnh hưởng của thị hiếu chung, thị hiếu “mẫu mực” nhưng xu hướng bộc lộ rõ cá tính cũng là một đặc điểm của thị hiếu. Đó chính là cơ sở để kỳ vọng kiến trúc – nội thất nhà ở nước ta tuy chịu tác động của khách quan nhưng trong quá trình vận động và phát triển sẽ tìm thấy cá tính riêng.Luxury Bathroom Villa 3D Design

( Ảnh minh họa )

Ý thức được điều đó, người KTS và nhà thiết kế phải có những quan điểm thiết kế nội thất, kiến trúc nhà ở đúng đắn được áp dụng rộng rãi và trở thành thị hiếu góp phần định hướng, thay đổi nhận thức của cư dân đô thị về các vấn đề đời sống cá nhân, gia đình, xã hội. Thậm chí, sâu sắc hơn là câu chuyện văn hoá sống của cả một thế hệ, một dân tộc. Bản chất văn hoá dù bị lu mờ trong “vỏ bọc ngôi nhà Tây hoá” thực chất vẫn tồn tại trong đời sống Việt hằng ngày, khi có đủ điều kiện sẽ bộc lộ và phát huy giá trị của nó.

Trong một tầm nhìn lâu dài, KTS, nhà thiết kế với vai trò tiên phong trước một bối cảnh nội thất thiếu đi bản sắc riêng như hiện nay cùng chung tay bằng nhiều cách định hướng thị hiếu thẩm mĩ kiến trúc – nội thất đô thị. Việc trước tiên nên làm là tỏ thái độ tôn trọng với thị hiếu của người dân, của khách hàng. Bên cạnh đó, cần cẩn trọng, nghiêm túc định hướng trên nền tảng chuyên môn đã được nghiên cứu, học tập; ngoài việc làm nghề thực tiễn cần đẩy mạnh lý luận, tham gia hoặc tổ chức những hoạt động chuyên môn lan tỏa thị hiếu thẩm mĩ tích cực; phát động các cuộc thi thiết kế, những buổi trò chuyện học thuật, truyền thông trên nhiều phương tiện phù hợp và tiếp cận đúng đối tượng, phát triển các hội nghề nghiệp trong bổ trợ nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển chung có định hướng của nội thất Việt Nam.


( Trích dẫn Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2022 của ThS Lương Minh Thu )


TÌM HIỂU XU HƯỚNG THIẾT KẾ NỘI THẤT BIỆT THỰ NĂM 2023

GIA CHỦ CÓ NÊN CHỌN NHÀ THẦU THIẾT KẾ THI CÔNG TRỌN GÓI ?