Màu sắc và tác động hiệu ứng tâm lý trong kiến trúc nội thất

Màu sắc đóng một vai trò không nhỏ trong việc truyền đạt thông tin, tạo ra những tâm trạng nhất định và thậm chí ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn mà mọi người đưa ra. Trong kiến trúc, bên cạnh việc sử dụng để biểu thị hiệu quả thẩm mỹ, màu sắc còn được sử dụng để gợi lên những tâm trạng cụ thể. Tâm lý học màu sắc cho thấy các sắc thái khác nhau có thể tạo ra các hiệu ứng khác nhau, như việc thúc đẩy tâm trạng tích cực hay gây ra tâm lý lo lắng. Cũng như các yếu tố xây dựng tạo nên một đối tượng kiến trúc, việc áp dụng màu sắc trên các bề mặt cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng về không gian.4 17( Ảnh minh họa )
Màu sắc là một công cụ giao tiếp mạnh mẽ và có thể được sử dụng để báo hiệu hành động, ảnh hưởng đến tâm trạng của người dùng. Cảm xúc của mỗi người về màu sắc thường mang tính cá nhân và bắt nguồn từ kinh nghiệm hoặc văn hóa của chính họ. Trong khi nhận thức về màu sắc có phần chủ quan, thì một số hiệu ứng màu sắc có ý nghĩa phổ quát.
Bản chất của màu sắc phần lớn là thể hiện tính thẩm mỹ bên ngoài chứ không phải biểu hiện rõ ràng bản chất bên trong của vật thể. Từ lâu, sự kỳ diệu của màu sắc đã đóng một vai trò không thể thiếu trong cách tiếp cận của con người đối với không gian xung quanh. Chẳng hạn, cảm xúc về không gian cần truyền tải của một lớp học khác với trung tâm thương mại; một không gian nghe nhìn khác với một dây chuyền sản xuất công nghiệp…
Nhận thức về màu sắc
Trong nhiều thập kỷ qua, các quan sát thực nghiệm và nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng phản ứng của con người trong môi trường kiến trúc chiếm tỷ lệ lớn dựa trên nhận thức cảm tính về màu sắc, và như bất kỳ nhận thức cảm tính nào, nó có các hiệu ứng mang tính biểu tượng, liên tưởng và cảm xúc. Đây cũng là những cân nhắc mà KTS cần quan tâm trong mục tiêu thiết kế để bảo vệ sức khỏe tâm lý và sinh lý của người sử dụng trong môi trường nhân tạo của họ.
Một khía cạnh mà các nhà thiết kế cần đặc biệt lưu ý trong việc sử dụng bảng màu là xem xét sự khác biệt về văn hóa trong ý nghĩa màu sắc. Ví dụ, trong hầu hết các nền văn hóa phương Tây, màu trắng có liên quan đến sự ngây thơ và màu đen có liên quan đến cái chết và tang tóc; thì trong các nền văn hóa khác, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Á, màu trắng có liên quan đến cái chết và tang tóc, và thậm chí là xui xẻo. Điều quan trọng là phải xem xét người dùng sản phẩm đến từ đâu để có thể truyền đạt đúng thông điệp mà mình mong muốn.
Ý nghĩa về tâm lý của các màu chính
Mỗi màu sắc được liên kết với những cảm xúc khác nhau, việc sử dụng màu sắc trong thiết kế có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và tâm trạng của những người xem các bảng màu đó. Sử dụng màu sắc một cách tinh tế có thể cải thiện trải nghiệm của người dùng và tăng các hành vi theo mong muốn một cách đáng kể. Tuy nhiên, ý nghĩa của màu sắc có thể thay đổi theo từng nền văn hóa, theo từng cá nhân, theo tiềm thức, theo độ tuổi… Vì vậy, khi cân nhắc về màu sắc trong thiết kế, chúng ta thường không thể thỏa mãn nhu cầu của từng cá nhân mà buộc phải hướng tới những trải nghiệm về màu sắc ảnh hưởng đến đại đa số người dùng theo cùng một cách.
Các màu khác nhau có thể ảnh hưởng đến cảm xúc phụ thuộc phần lớn vào độ sáng, sắc độ, tông màu của màu sắc. Màu ấm có thể gợi lên những cảm xúc khác với màu lạnh và màu sáng có thể tạo cảm giác khác với màu nhạt.9 12( Ảnh minh họa )
Dưới đây là một số hiệu ứng tâm lý về màu sắc thường có trên cảm giác của người sử dụng khi trải nghiệm trong một không gian.
Màu xanh dương: Gợi lên cảm giác bình tĩnh và tin tưởng. Truyền cảm giác tích cực, tự tin và bảo mật. Nó thường được sử dụng trong một số không gian như: các cơ quan ngân hàng, văn phòng…
Màu vàng: Thể hiện sự lạc quan, tò mò, vui vẻ và bầu không khí tươi sáng. Trong thiết kế, nó thường được sử dụng để thu hút sự chú ý một cách tràn đầy năng lượng và thoải mái, thường được dùng trong các không gian thương mại hoặc nhà hàng để thu hút sự chú ý của người đi bộ.
Màu đỏ: Thể hiện năng lượng, sự phấn khích, sự thúc đẩy. Do đó, nó thường được sử dụng trong các cửa hàng hoặc cửa hàng thức ăn nhanh.
Màu xanh lá cây: tượng trưng cho sức khỏe, sự khởi đầu mới, gợi lên sự yên tĩnh, thanh thản và hạnh phúc. Nó thường được sử dụng trong các không gian liên quan đến sức khỏe, chẳng hạn như bệnh viện, trung tâm thư giãn…
Màu cam: Làm cho bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng, sự sáng tạo, hưng phấn và sự nhiệt tình. Nó thường được sử dụng trong môi trường sáng tạo, chẳng hạn như văn phòng, studio và trường học…
Kết luận
Màu sắc là một phần quan trọng trong việc tạo ra trải nghiệm tích cực cho người dùng. Nó không chỉ quan trọng về mặt thẩm mỹ mà còn có tầm quan trọng lớn về mặt tâm lý. Một tâm trạng tích cực góp phần củng cố hệ thống phòng thủ của cơ thể chống lại bệnh tật, trong khi một khung cảm xúc tiêu cực sẽ làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Hãy sử dụng màu sắc một cách cân nhắc khi can thiệp vào môi trường xung quanh bạn.

————————
Nguồn : ThS.KTS Huỳnh Thị Hồng Thúy
Khoa Kiến trúc, Trường ĐHXD Miền Tây


TRẢI NGHIỆM KHÔNG GIAN VĂN PHÒNG HIỆN ĐẠI, ĐỘC ĐÁO SÁNG TẠO CỦA TỔNG THẦU NỘI THẤT MANCHIO

TÌM HIỂU XU HƯỚNG THIẾT KẾ NỘI THẤT BIỆT THỰ NĂM 2023